Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Nhà văn là cột đèn, nhà phê bình là...

Đọc bài dịch này trên Evan, thấy mắc cười quá.
Ở VN, nhà văn nào mà phát biểu vậy chắc bị đánh hội đồng quá.
Tôi nghĩ đơn giản hơn: nhà văn và nhà phê bình là hai nhà làm hai nghề, ở hai nhà khác nhau, chuyện ai nấy làm.
He he

H.

Paulo Coelho: 'Nhà văn là cột đèn, nhà phê bình là…'
Thanh Huyền
Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết tiêu thụ hàng trăm triệu bản trên khắp thế giới nhưng Paulo Coelho không quan tâm đến chuyện độc giả thích hay không thích tác phẩm của ông; cũng không phiền lòng bởi những nhận định của giới phê bình.> Tiết lộ quá khứ hoang dại của Paulo Coelho/ '11 phút' chạm vào bản chất tình dục
- "The Winner Stands Alone" là cuốn tiểu thuyết thứ 12 của ông. Tác phẩm được ông miêu tả là "bức chân dung sống động về nơi chúng ta đang sống". Ông có ý gì khi nói như vậy?
- Tôi viết cuốn sách vào tháng 2/2008, khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Con người chúng ta dường như đánh mất mối liên hệ với hiện thực, với sự giản dị quen thuộc của cuộc sống. The Winner Stands Alone là tác phẩm viết về chuyện chúng ta đã phức tạp hóa cuộc sống của mình như thế nào và dập vùi những giấc mơ ra sao.
- Cuốn sách thành công nhất của ông - "Nhà giả kim" - đã tiêu thụ được 30 triệu bản?
- Hơn chứ. Tôi nghĩ là 35 triệu. Đến nay, sách của tôi đã bán được toàn bộ 150 triệu bản. Ngoài ra bạn phải cộng thêm vào con số này 20% lượng sách in lậu nữa.
Nhà văn Paulo Coelho. Ảnh: AFP.
- Cuốn sách được viết chỉ trong 4 tuần?
- 2 tuần. Trước đó, nó đã được hoàn thành trong tâm hồn và trí não của tôi.
- Ban đầu, bản thảo "Nhà giả kim" bị nhà xuất bản từ chối. Điều gì xảy ra sau đó?
- Nó không bị nhà xuất bản từ chối. Nó được in ra nhưng không bán được. Thế rồi người của nhà xuất bản nói với tôi: "Sẽ chẳng ma nào mua cuốn sách này nữa" - một phán quyết còn kinh khủng hơn cả việc bị từ chối. Đến nước này thì bạn phải nghĩ ra: "Được, thế thì tôi sẽ tìm nhà xuất bản khác" với một sự thực không thể che giấu rằng: "Nó đã được xuất bản, nhưng không ai thèm đọc". Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục để người ta tin rằng, đây là một kiệt tác. Bây giờ, Nhà giả kim là cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới trong số những tác phẩm của các nhà văn còn sống.
- Ông có thực sự tin vào các thiên thần?
- Có chứ.
- Ông từng nhìn thấy?
- Không, tôi chưa từng trông thấy thiên thần. Nhưng không quan trọng chuyện tôi có nhìn thấy hay không. Tôi cảm thấy sự hiện hữu của chúng xung quanh mình. Không phải là những thiên thần với đôi cánh trắng muốt theo như hình dung xưa cũ, mà đó là cảm giác được chở che, được bảo vệ. Đây không phải là chuyện tâm linh gì cả mà là thái độ với cuộc sống. Nếu bạn nhiệt thành với những việc mình đang làm, bạn sẽ thấy tràn đầy năng lượng. Đơn giản là như vậy.
Cuốn "11 phút" của ông vừa được dịch ra tiếng Việt.
- Một số người cho biết, sách của ông đã thay đổi cuộc đời họ. Nhưng số khác lại coi đây là những tác phẩm không thể nào đọc được. Theo ông, tại sao các ý kiến lại đối lập như như vậy?
- Đó không phải là điều tôi bận tâm. Khi viết, tôi viết cho chính mình, đón nhận ra sao là việc của độc giả. Chuyện họ thích hay không thích không phải là vấn đề của tôi.
- Thế những nhà phê bình có khiến ông phiền lòng?
- Không. Nhà văn là những cái cột đèn, còn nhà phê bình là những con chó. Hỏi cột đèn nghĩ gì về con chó ấy hả. Liệu chó thì có thể làm cho cột đèn đau đớn gì không nhỉ?
- Ông có phải là một nhà văn chính trị?
- Bất cứ ai cũng có một con người chính trị gia bên trong, bất kể bạn tuyên ngôn hay im lặng. Thái độ chính trị không chỉ được biểu hiện khi bạn ngồi trong nghị trường mà còn thể hiện qua cách bạn ứng xử với cuộc sống, với mọi việc xung quanh mình.
- Hồi 17 tuổi, ông từng bị bố mẹ đưa vào nhà thương điên?
- Vâng, 3 lần. Tôi cũng đã 3 lần vào tù. Nhưng tôi chưa bao giờ coi mình là bệnh nhân hay tù nhân. Đó là một phần trong những chuyến hành trình của tôi. Bố mẹ muốn tôi đi theo giấc mơ của họ, chứ không phải của tôi. Đơn giản là tôi không chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ: "Rồi một ngày mình sẽ viết". Và tôi đã làm như vậy. Tôi viết Veronica Decides to Die (Veronica quyết chết). Cuốn sách mang thông điệp: hãy chấp nhận sự khác biệt của chính mình và đó chính là điều khiến bạn khác biệt.
- Những trải nghiệm như vậy, đối với một người khác, có thể làm nảy sinh trạng thái giận dữ hoặc căm thù?
- Những ngày ở tù không khiến tôi cảm thấy tức giận. Nó khiến tôi thấy sợ. Đó chính là điều tệ hại. Vì khi tức giận, bạn sẽ phản ứng; còn khi sợ hãi, bạn chấp nhận. Phải mất nhiều năm tôi mới vượt qua được nỗi sợ này. Nhưng thời gian đã hàn gắn tất cả.
(Nguồn: Guardian)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét