Thứ Ba, 31 tháng 3, 2009

MỘT LỰA CHỌN NỮA


Đây là lựa chọn thứ 2. Bìa này rất sáng tạo, vất vả để làm nhưng mình hok thích lắm. Huhu

Rất thích cái bìa này, nhưng không thể lấy được. Vì dính tới bản quyền cái ảnh. Chẳng biết chủ ảnh ở phương nào để xin xỏ (chứ xiềng đâu mà mua, hic).
Thôi, bái bai em bìa xinh đẹp này nhé!
Huhu
Cảm ơn em La Nguyễn Quốc Vinh đã cố gắng mất hết 2 tiếng đồng hồ. Tại chị em mình ngu bản quyền làm chi!
Ngu gì ngu thậm tệ, hok coi bản quyền trước khi làm mà è cổ làm đã mới coi bản quyền ảnh. Ha ha! Một lần tởn tới già hé em?
Đành thôi, huhu

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2009

MÀ CÒN TRẦN GIAN THẾ?

Nói linh tinh với em Nâu.
Cảm thấy khó chịu với những chuyện không đâu...
Tôi là ai, mà còn trần gian thế?
Hóa ra, mình vẫn còn rất trần gian!
Thôi, dẹp sân si đi cho tôi nhờ, mợ Khùng! He he

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

Chuyện thường ngày: Ảnh gửi các bác tài xe buýt!

TUỔI TRẺ - Ba chiếc quan tài xếp ngay ngắn ngay phòng khách của căn nhà. Người phụ nữ ngoài 40 tuổi và cô con gái 16 tuổi đứng bất động bên quan tài của chồng, con và cháu - những nạn nhân của vụ tai nạn do xe buýt gây ra sáng 26-3 dưới chân cầu Nhị Thiên Đường (TP.HCM). Họ như hóa đá, và không còn nước mắt để khóc vì nỗi đau lớn đến mức không bút nào tả xiết.
Xem những bức ảnh của đám tang ông Hoàng Bình Dương cùng con và cháu, thật xót xa đến cùng cực.
Không biết Hồ Văn Tây, kẻ điều khiển chiếc xe buýt chạy ngược chiều gây nên thảm nạn, giờ này đang nghĩ gì trong trại giam? Hối tiếc ư? Đã quá muộn màng rồi...
Chỉ mong sao sự ra đi của ông Dương cùng con và cháu sẽ là mất mát cuối cùng do xe buýt gây ra.
Mong ước đó chỉ có nếu những người có trách nhiệm với xe buýt phải bắt tay vào hành động ngay. Ít nhất là bằng việc buộc các bác tài xe buýt phải treo tấm ảnh chụp đám tang của ông Dương cùng con và cháu ngay trước mắt, để khi điều khiển xe buýt họ phải luôn nhớ rằng thảm nạn sẽ xảy ra nếu cứ phóng nhanh vượt ẩu...
BÚT BI

VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Hôm nay, đi họp báo chương trình Vượt lên số phận.
Sở dĩ phải lết cái xác đi là vì mình có dính dáng đến nó: một trong các biên kịch của chương trình.
Có 3 câu hỏi của một phóng viên, câu hỏi hay (nhưng được hỏi bằng một thái độ hách dịch và rất quan báo)
Anh Võ Đắc Danh đã trả lời rất hay.
Nhưng còn thiếu.
Có một sự thật là những người thực hiện chương trình này đã vét túi từng đồng để tặng cho các nhân vật của mình.
Bạn Khôi Nguyên (đạo diễn kiêm quay phim) đã móc tiền túi mua chiếc xe đạp cho một bé ở Vĩnh Long, anh Minh Phương (đạo diễn), chị Ngọc (đạo diễn) và mọi anh em khác đều ứng xử với nhân vật bằng tất cả trái tim mình.

Mình note lại chi tiết này ở đây, để nhắc mình rằng nếu không thực hiện được thì đừng gièm pha, nếu không nghiêng mình xuống những số phận nghèo khổ được thì đừng nghi ngờ những người đang cúi xuống với từng mảnh thân phận...

Chỉ vậy thôi

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2009

CÔNG THỨC BEST SELLER VÀ ĐƯỜNG NÀO CHO QUÁI VẬT?

Ảnh minh họa: Một thủy quái, cũng là dạng quái vật. Ảnh chỉ có tính rảnh nhảm, không liên quan đến bài viết lắm!



Nhìn lại những quyển sách văn chương thuộc loại best seller trong thời gian qua, chúng ta thấy gì?

1/ Phân khúc khách hàng đặc trưng + tên tuổi lâu năm của nhà văn

2/ Con cưng của một tờ báo (và của giới truyền thông) + nội dung sách có vấn đề và những scandal ngoài sáng tác

3/ Tận dụng lợi thế của mạng internet + sử dụng chiêu độc tiếp thị + nội dung sách 2S1P: sex, shock và popular



Cả 3 công thức này đều cần có sự tiếp tay mạnh mẽ của giới truyền thông dưới nhiều hình thức đa dạng.



1/ Lăng -xê nguyên đai nguyên kiện một nhà văn / 1 quyển sách

2/ Lăng - xê theo trào lưu (báo kia khen thì báo này khen và hội chứng Ông vua cởi truồng)

3/ Lăng- xê hoặc chửi bới để chứng tỏ quyền lực cá nhân nhà báo (trong mối quan hệ với người được lăng-xê cũng như với văn giới)



Các nhà phê bình văn học (thực thụ) đứng đâu trong cuộc lăng-xê?

1/ Đứng ngoài - thờ ơ hẳn

2/ Nhảy vào, chứng tỏ mình cũng có ý kiến

3/ Tích cực để tham gia vào trào lưu lăng -xê


Vậy làm sao để biến một tác phẩm văn chương thành best seller?
1/ Chọn phân khúc thị trường chính xác và tổng tấn công vào thị trường đó (nếu có tên tuổi rồi thì càng tốt, không có phải kiếm chiêu)
2/ Trở thành con cưng của một tờ báo lớn (cái này không dễ dàng, chẳng phải ai cũng là Nguyễn Ngọc Tư)
3/ Gây scandal, có sex, có shock, có phổ thông đại chúng với tình tiền tù tội đầy đủ hết để bảo đảm đúng công thức "công chúng nào, văn học ấy" như ai đó đã nói?
Làm thế nào để Quái vật thành best seller khi tui không có cả ba điều kiện trên?
Đó là câu hỏi khó có lời giải. Bạn nào có cao kiến, giúp tui nhé! Bảo đảm có chia % giá bìa x với lượng phát hành.

Mail về hanh8778@gmail.com và nhắn YM là hanh8778.

Xin mời!

*P/S: Những tác phẩm best seller ở đây chỉ có nghĩa là bán chạy. Thống kê này của cá nhân Sài Gòn đệ nhất khùng.

SAU GIỜ TRÁI ĐẤT LÀ?

Tôi ủng hộ tiết kiệm điện, ủng hộ giờ trái đất.
Nhưng tôi tự hỏi, sau 1 giờ tiết kiệm điện hôm nay thì mọi việc sẽ có thay đổi gì không?
Vấn đề là làm thế nào để ý thức bảo vệ môi trường và ý thức tiết kiệm nguyên liệu trở thành thường trực trong người dân/ từng mỗi người dân thôi.
Bữa nay rảnh, nói nhảm!
He he

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

TÌNH HÌNH LÀ BẠN HẠNH MỆT MUỐN XỈU RÙI

Bạn Hạnh đã quá tải.
Bạn Hạnh trốn đi chơi thôi!

SAU QUÁI VẬT LÀ...?

Viết chữ cuối cùng của Quái vật xong, hai vai rã rời, mắt dại đi.
Viết xong rồi, thấy trống rỗng thế nào ấy.
Như thiếu vắng một cái gì.
Mấy tháng trời sống với nó, giờ buông ra, tự nhiên chênh vênh.

Giờ bắt tay vào cày kịch bản Hội nhập.
Một thách thức mới cho mình.
30 tập. Dài quá!

Thấy mình là kẻ nghèo khổ về thời gian kinh khủng!

ĐÃ XONG QUÁI VẬT

Giờ thì ngồi đợi thôi!
Post lên đây lời nói đầu và chương cuối nhé:

LỜI NÓI ĐẦU

- Bạn đang viết về cái gì vậy?
- Tôi viết về một thế giới dễ bị tổn thương!
(Trích hỏi đáp giữa bạn Antonement và tác giả)


CHƯƠNG CUỐI CÙNG:
MẤT
Trong những giấc mơ và những lần đối mặt với hiện thực, tôi đã có hàng triệu lần thấy hàng triệu không gian và con người bị xâm phạm, thay đổi và mất mát. Người kia, hôm qua còn hiên ngang như một anh hùng, cất giữ trong lòng mình bao nhiêu bí mật độc đáo mà hôm nay bỗng thành tởm lợm, ngổn ngang, nham nhở và bị khinh khi.
Đã mất tất cả.
Chỉ còn chăng là còn trong những giấc mơ mà thôi. Mà ngay cả những giấc mơ cũng không nguyên vẹn hình hài.
Những giấc mơ vỡ nát.
Những giấc mơ mất mát!


SÀI GÒN, CUỐI THÁNG 3/2009

NHỮNG NGƯỜI BÊN TÔI 2- CHỊ T.P

Tôi biết chị 4 năm. Nhưng thân nhau thì chỉ khoảng 1 năm nay.
Giữa biết và thân là những lần gặp nhau và chào hỏi ở các cuộc họp báo.
Chị hiền và lành. Bài viết nào cũng nhẹ nhàng và luôn tìm điểm mạnh để chia sẻ. Bực dọc lắm thì cũng chỉ nói nhẹ vài câu là thôi.
Người như chị, mới gặp tưởng nhạt nhưng gặp lâu và thân mới biết hóa ra không nhạt chút nào.
Vì một lẽ đơn giản là chị không cố tình tỏ ra cá tính hay sắc sảo. Những lần trò chuyện, mới thấy chị nhìn phim/ sách không hề hời hợt mà còn sâu sắc hơn nhiều người. Nhưng thấy mười viết một, hoặc là biết mười viết một là phong cách của chị. Hơn nữa, chị thông cảm nhiều hơn cho người sáng tác: người ta đi đào vàng, mình ở trên hầm, thấy đất đưa lên, chưa kiếm vàng đã vội cho là đất và đổ đi thì không được. Có lần, chị đã nói với tôi như vậy.
Chơi với chị, bản tính "đanh đá" và nóng vội của tôi có phần giảm bớt.
Sau sự cố một ng bạn phản bội tôi, chị nói: "Không sao, thức khuya mới biết đêm dài. Bình tĩnh thôi em".
Hồi Tết, tôi ghé nhà chị, định chơi 2 tiếng, ai ngờ ở lại 1 đêm, sáng sau định về, lại ở thêm đến chiều, chiều định về, lại ở thêm đến tối. Rút cục, vợ chồng cha co đã làm khách nhà chị đến 2 ngày thay vì 2 tiếng như dự tính. Cảm ơn cha mẹ chị và các anh chị em vô cùng vì sự đầm ấm và tình thương mà gia đình đã trao tặng.

Những buổi trưa, không về Hóc Môn, tôi ở lại nhà trọ của chị. Nằm nói linh tinh, hát nghêu ngao. Rồi đi về!
Vậy thôi, nhưng tôi biết, tôi có một chỗ dựa tinh thần ở chị. Mỗi khi yếu lòng, mỗi khi vấp ngã, mỗi lúc nổi điên ai đó!

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2009

LẠI NÓI CHUYỆN QUÁI VẬT

Hôm nay, tôi sẽ hoàn tất bản thảo Quái vật.
Ý tưởng bìa đã bàn với Đinh Hương.
Đợi chờ xem bìa mới thế nào

NHỮNG NGƯỜI BÊN TÔI - S.P

Tôi nhớ câu chuyện cười về việc để toalet ở đâu trong một ngôi nhà với chi tiết là ngôi nhà của các nhà văn thì không cần làm toalet. Bởi vì các nhà văn đã...ị vào mồm nhau!
Cười, mà đau!
Tôi viết mục này trên blog của mình. Để nhằm hai mục đích:
1/ Nhắc mình biết ơn vì những người sống bên mình đã giúp đỡ mình
2/ Để độc giả (và những ai quan tâm) sẽ biết rằng, có những người cầm bút rất tốt và luôn cần một cái toalet trong ngôi nhà chung.
Tôi không muốn để tên thật của họ ra, vì có khi, tôi sợ họ ngượng và không bằng lòng nên dùng tạm nick name do tôi tự đặt.
Xin bắt đầu bằng nhân vật thứ nhất có nick name là S.P

S.P
Chị là người đầu tiên gọi điện thoại nói muốn gặp tôi.
Tôi còn nhớ, đó là một ngày của năm 2005, tháng 9.
Tôi đến chỗ hẹn trước giờ hẹn khoảng 15 phút.
Chị đến đúng giờ, cùng với một chị bạn là họa sĩ.
Lúc đó, tôi biết chị là một nhà báo, không biết chị là nhà thơ và cũng không biết chị là họa sĩ.
Trò chuyện với nhau quãng hơn 1 tiếng thì xong.
Chị chào và ra về.
Mấy hôm sau, chị gọi điện thoại, tưng bừng vui, báo tôi mua báo.

Vài tháng sau, chị cảnh báo tôi vài chuyện không hay mà người ta nói về tôi bằng tất cả sự chân thành.

Vài tháng sau nữa, chị chở tôi về nhà chơi, thăm má chị, nhà chị ở tận Hóc Môn, lúc đó tôi chưa quen đường, chỉ biết đi xa vời vợi.

Vài tháng sau nữa, tôi đưa chị bản thảo tập tạp bút và truyện ngắn, chị đọc và nói "được". Bản thảo ấy chưa được in, nhưng tôi vẫn cảm kích cái tình của người đã dành thời gian cho nó.

Vài tháng sau nữa, tôi in Chuyện của nhóc Bill.
Chị viết một bài giới thiệu to đùng, rồi cũng tưng bừng hân hoan, kêu tôi đi mua báo. Tôi vẫn còn nợ chị một bữa cơm cảm ơn.

Vài tháng sau nữa, mẹ chị mất, tôi, may mắn, đã biết tin vì chị không hề thông báo. Tôi đến viếng bác gái. Tang gia phủ hoa trắng nhưng không khí nhẹ nhàng, tôi như tìm thấy chữ NGỘ trong đám tang này, ngộ được lẽ vô thường và tôi cảm nhận sự thương tiếc tận trong lòng dù chị không rơi nước mắt trước mọi người.

Vài tháng sau nữa, nhà tôi bị hư đường dây ngay đúng tết âm lịch, chị nhờ em rể qua sửa điện giúp tôi. Cứu một màn thua kinh dị vì không có điện là bé Cá heo sẽ không thể ngủ được vì quá nóng.

Vài tháng nữa, chị khoe mộ của mẹ chị ở Hóc Môn rất đẹp, mộ do kiến trúc sư thiết kế.

Tôi không biết chị đã sống như thế nào, tôi chỉ biết, ngày mẹ chị nằm xuống, bạn chị đã thiết kế cái không gian NGỘ ấy, cho gia đình bớt bi thương và người nằm xuống cũng nhẹ lòng mà đi.

Không phải ai cũng được bạn bè thương như chị!

Chị chưa bao giờ nói thương tôi. Chúng tôi cũng không thường gặp nhau. Nhưng, mỗi khi tôi cần và mong được sự giúp đỡ là tôi sẽ có cơ may nhận sự giúp đỡ đó từ chị - một cách nhẹ nhàng và đầy nhiệt tình trong sự im lặng thanh thản.

Chị có vẻ bề ngoài không hề nữ tính. Nhưng thơ của chị, những ứng xử của chị lại tràn ngập nữ tính bởi sự quan tâm, sự tinh tế, sự dịu dàng.

4 năm, tôi ở SG, chị là người bạn chung thủy của tôi- một trong những người bạn chung thủy nhất!

Cảm ơn chị!
Vì mọi điều và vì điều quan trọng nhất: chị đã luôn thương em, dù chị chưa bao giờ nói ra điều ấy!

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

THỜI GIAN SÁNG TÁC


Thời gian ưa thích nhất của tôi là từ 0 giờ đến 2 giờ sáng. Lúc đó, bé Bill đã ngủ, "người dưng" cũng ngủ. Lúc đó, gạt sang một bên những nỗi lo bài vở cho báo và những bổn phận mưu sinh.
Chỉ còn tôi với bàn phím và không gian đầy bóng tối vây quanh, ánh sáng từ màn hình đủ cho tôi thấy bàn phím, vả lại, cũng không cần quan sát bàn phím vì đã thuộc vị trí các phím từ lâu rồi. Chỉ còn tôi và những dòng chữ tuôn trào, như khát vọng, như mong mỏi!

Tôi yêu giờ này, cái giờ mà mọi người đã ngủ. Và tôi yêu công việc sáng tác. Viết, trước hết là cho chính mình chứ không phải cho ai cả. Viết là để thỏa mãn chính mình, để thỏa mãn mong ước sáng tạo một thế giới riêng của mình, thế giới mà ở đó, ta là God, và ta, có thể, tạo ra một thế giới với những trật tự do mình định đoạt!
Chợt nhớ câu hỏi của một nhà báo: Khi chị viết, chị có sợ nhà phê bình sẽ chê chỗ này, bới móc chỗ kia của chị không? Xin thưa với bạn, tôi không có sợ ai bới móc chỗ nào cả. Tôi viết cho tôi, chứ có viết cho nhà phê bình nào đâu!
Tôi thích giờ này, khi mà chỉ có tôi và bản thảo.
Chỉ còn một mình mình!

Sáng nay rất tâm đắc một ý của nhà văn Nguyên Ngọc: hai lúc cô độc nhất là trước khi chui vô quan tài và khi đối diện với trang bản thảo. Không ai chia sẻ cho mình, không ai làm thay mình được.

Sáng tác văn chương, vốn dĩ là công việc của những kẻ đơn độc.


Những trang sách của Quái vật, đầy nhọc nhằn mà cũng đầy kiêu hãnh. Kiêu hãnh không phải vì kiêu ngạo mà vì đã được viết lên trong quãng đời đầy lo lắng trăm thứ của tôi.

Tự động viên mình: Cố lên!

H.

THỂ LỆ CUỘC THI VĂN HỌC TUỔI 20 LẦN 4

Cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ 4 vừa được NXB Trẻ, báo Tuổi Trẻ và Hội Nhà văn TP.HCM phát động vào sáng nay 24/3.

Tác phẩm gửi tới cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần thứ 4 phải là những sáng tác mới chưa từng được công bố trên các phương tiện truyền thông: báo chí, xuất bản, mạng internet.

Cuộc thi sẽ tập trung vào hai thể loại: truyện dài và tập truyện ngắn, trong đó truyện dài không quá 300 trang in (khổ 13 x 19 cm), tương đương 200 trang khổ A4 (co chữ 12); tập truyện ngắn với ít nhất là 6 truyện. Cuộc thi không nhận thơ, kịch bản văn học và bút ký.

Tất cả người viết trên cả nước và người Việt ở nước ngoài đều có thể gửi bản thảo tham gia.

Ban tổ chức bắt đầu nhận bản thảo từ ngày 31/3/2009 – 30/4/2010. Giải thưởng sẽ được công bố vào 2/9/2010.

Nhà văn là cột đèn, nhà phê bình là...

Đọc bài dịch này trên Evan, thấy mắc cười quá.
Ở VN, nhà văn nào mà phát biểu vậy chắc bị đánh hội đồng quá.
Tôi nghĩ đơn giản hơn: nhà văn và nhà phê bình là hai nhà làm hai nghề, ở hai nhà khác nhau, chuyện ai nấy làm.
He he

H.

Paulo Coelho: 'Nhà văn là cột đèn, nhà phê bình là…'
Thanh Huyền
Là tác giả của những cuốn tiểu thuyết tiêu thụ hàng trăm triệu bản trên khắp thế giới nhưng Paulo Coelho không quan tâm đến chuyện độc giả thích hay không thích tác phẩm của ông; cũng không phiền lòng bởi những nhận định của giới phê bình.> Tiết lộ quá khứ hoang dại của Paulo Coelho/ '11 phút' chạm vào bản chất tình dục
- "The Winner Stands Alone" là cuốn tiểu thuyết thứ 12 của ông. Tác phẩm được ông miêu tả là "bức chân dung sống động về nơi chúng ta đang sống". Ông có ý gì khi nói như vậy?
- Tôi viết cuốn sách vào tháng 2/2008, khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng. Con người chúng ta dường như đánh mất mối liên hệ với hiện thực, với sự giản dị quen thuộc của cuộc sống. The Winner Stands Alone là tác phẩm viết về chuyện chúng ta đã phức tạp hóa cuộc sống của mình như thế nào và dập vùi những giấc mơ ra sao.
- Cuốn sách thành công nhất của ông - "Nhà giả kim" - đã tiêu thụ được 30 triệu bản?
- Hơn chứ. Tôi nghĩ là 35 triệu. Đến nay, sách của tôi đã bán được toàn bộ 150 triệu bản. Ngoài ra bạn phải cộng thêm vào con số này 20% lượng sách in lậu nữa.
Nhà văn Paulo Coelho. Ảnh: AFP.
- Cuốn sách được viết chỉ trong 4 tuần?
- 2 tuần. Trước đó, nó đã được hoàn thành trong tâm hồn và trí não của tôi.
- Ban đầu, bản thảo "Nhà giả kim" bị nhà xuất bản từ chối. Điều gì xảy ra sau đó?
- Nó không bị nhà xuất bản từ chối. Nó được in ra nhưng không bán được. Thế rồi người của nhà xuất bản nói với tôi: "Sẽ chẳng ma nào mua cuốn sách này nữa" - một phán quyết còn kinh khủng hơn cả việc bị từ chối. Đến nước này thì bạn phải nghĩ ra: "Được, thế thì tôi sẽ tìm nhà xuất bản khác" với một sự thực không thể che giấu rằng: "Nó đã được xuất bản, nhưng không ai thèm đọc". Tuy nhiên, tôi đã thuyết phục để người ta tin rằng, đây là một kiệt tác. Bây giờ, Nhà giả kim là cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới trong số những tác phẩm của các nhà văn còn sống.
- Ông có thực sự tin vào các thiên thần?
- Có chứ.
- Ông từng nhìn thấy?
- Không, tôi chưa từng trông thấy thiên thần. Nhưng không quan trọng chuyện tôi có nhìn thấy hay không. Tôi cảm thấy sự hiện hữu của chúng xung quanh mình. Không phải là những thiên thần với đôi cánh trắng muốt theo như hình dung xưa cũ, mà đó là cảm giác được chở che, được bảo vệ. Đây không phải là chuyện tâm linh gì cả mà là thái độ với cuộc sống. Nếu bạn nhiệt thành với những việc mình đang làm, bạn sẽ thấy tràn đầy năng lượng. Đơn giản là như vậy.
Cuốn "11 phút" của ông vừa được dịch ra tiếng Việt.
- Một số người cho biết, sách của ông đã thay đổi cuộc đời họ. Nhưng số khác lại coi đây là những tác phẩm không thể nào đọc được. Theo ông, tại sao các ý kiến lại đối lập như như vậy?
- Đó không phải là điều tôi bận tâm. Khi viết, tôi viết cho chính mình, đón nhận ra sao là việc của độc giả. Chuyện họ thích hay không thích không phải là vấn đề của tôi.
- Thế những nhà phê bình có khiến ông phiền lòng?
- Không. Nhà văn là những cái cột đèn, còn nhà phê bình là những con chó. Hỏi cột đèn nghĩ gì về con chó ấy hả. Liệu chó thì có thể làm cho cột đèn đau đớn gì không nhỉ?
- Ông có phải là một nhà văn chính trị?
- Bất cứ ai cũng có một con người chính trị gia bên trong, bất kể bạn tuyên ngôn hay im lặng. Thái độ chính trị không chỉ được biểu hiện khi bạn ngồi trong nghị trường mà còn thể hiện qua cách bạn ứng xử với cuộc sống, với mọi việc xung quanh mình.
- Hồi 17 tuổi, ông từng bị bố mẹ đưa vào nhà thương điên?
- Vâng, 3 lần. Tôi cũng đã 3 lần vào tù. Nhưng tôi chưa bao giờ coi mình là bệnh nhân hay tù nhân. Đó là một phần trong những chuyến hành trình của tôi. Bố mẹ muốn tôi đi theo giấc mơ của họ, chứ không phải của tôi. Đơn giản là tôi không chấp nhận điều đó. Tôi nghĩ: "Rồi một ngày mình sẽ viết". Và tôi đã làm như vậy. Tôi viết Veronica Decides to Die (Veronica quyết chết). Cuốn sách mang thông điệp: hãy chấp nhận sự khác biệt của chính mình và đó chính là điều khiến bạn khác biệt.
- Những trải nghiệm như vậy, đối với một người khác, có thể làm nảy sinh trạng thái giận dữ hoặc căm thù?
- Những ngày ở tù không khiến tôi cảm thấy tức giận. Nó khiến tôi thấy sợ. Đó chính là điều tệ hại. Vì khi tức giận, bạn sẽ phản ứng; còn khi sợ hãi, bạn chấp nhận. Phải mất nhiều năm tôi mới vượt qua được nỗi sợ này. Nhưng thời gian đã hàn gắn tất cả.
(Nguồn: Guardian)

GIẢI THƯỞNG VĂN BÁCH VIỆT 2009

Năm nay, các nhà văn sẽ được mùa dự thi vì ngoài giải thưởng Văn học tuổi 20, họ còn có một giải thưởng khác đáng giá để tham dự: Giải thưởng Văn Bách Việt 2009.
Tôi đưa lại nguyên văn thông cáo báo chí để mọi người nắm thông tin và tham dự cho vui!
Tôi đang suy nghĩ không biết có nên dự thi không nữa. Tính tôi hay lo xa, phải chi có giải Khuyến khích nữa thì tốt. Kiếm giải Khuyến khích chắc dễ hơn! Hic hic!

Lịch sử mỗi nền văn chương dẫu có những giai đoạn thăng trầm, dù mỗi người viết đều không muốn như thế. Và hay - dở ra sao thì cũng chẳng khi nào bị “đứt quãng”, vài thập kỷ nữa nhìn lại văn chương, hậu thế vẫn nhìn nó trong tính liên tục. Sự ra đời liên tiếp của các Giải thưởng tư nhân trong thời gian gần đây đã cất lên tiếng nói thúc đẩy nhu cầu Xã hội hóa văn chương. Không chỉ thu hẹp trong phạm vi các giải thưởng Nhà nước, đoàn thể, hội, xã hội hóa văn chương sẽ đưa ra những khuynh hướng, tìm tòi, thể nghiệm của người viết, cũng mở rộng các khuynh hướng tiếp nhận và đánh giá của người đọc.

Giải thưởng Văn Bách Việt ra đời với mong muốn đưa ra những góc nhìn mới, những tiếng nói mới, những diện mạo mới, để từ đó, có cái nhìn toàn diện hơn và văn học Việt Nam thời điểm hiện tại.

Hội đồng Thẩm định gồm: Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Trưởng ban thẩm định (Hà Nội); Nhà văn Lê Minh Khuê (Hà Nội); Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái (Hà Nội); Nhà văn Nguyễn Việt Hà (Hà Nội); Nhà văn Trần Nhã Thụy (TP HCM).
Hội đồng thẩm định hoàn toàn có quyền lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất để vào chung khảo, bỏ phiếu lựa chọn ra tác phẩm có giá trị về mặt nội dung để trao giải tính đến giờ phút cuối cùng.

Các tác phẩm tham dự:
- Thể loại: Tiểu thuyết
- Là tập bản thảo chưa được xuất bản, hoặc chưa tham dự cuộc thi nào (chấp nhận các tác phẩm đã được post trên mạng internet). Tác phẩm không giới hạn đề tài, nhưng phải hướng đến những giá trị nhân bản và sáng tạo. Ưu tiên những phong cách mới, những hình thức mới, những khám phá, thể nghiệm mới. Các tác giả hiện đang sinh sống, học tập và làm việc trong và ngoài nước đều có quyền tham dự cuộc thi này. Tác phẩm không vi phạm pháp luật về quyền tác giả.
Thời gian thực hiện:
Thời gian nhận bản thảo dự thi: Từ 1/1 đến 31/12 hàng năm (riêng với giải Văn Bách Việt lần thứ nhất, thời gian nhận bản thảo dự thi từ 10/1/2009 đến 31/12/2009)
Các tác giả gửi bản thảo trực tiếp về Công ty Sách Bách Việt (qua email hoặc qua bưu điện)
Địa chỉ: Công ty Sách Bách Việt, số 13 tổ 74 Hoàng Cầu, phố Mai Anh Tuấn, Đống Đa, Hà Nội
Email: vanbachviet@bachvietbooks.com.vn
Thời gian trao giải: Ngày 01/03/2010

Giải thưởng Văn Bách Việt: 40.000.000 đồng cho một giải duy nhất
Mỗi năm sẽ chọn in 5 tác phẩm vào chung khảo dựa trên chất lượng bản thảo nhận được đã qua thẩm định của Hội đồng thẩm định. Số lượng in cho tác phẩm được vào chung khảo: 2.000 bản.
Quyền lợi của các tác giả được chọn in: Tác giả có bản thảo được chọn in là những tác phẩm được lọt vào vòng chung khảo của Giải thưởng; Tác giả có bản thảo được chọn in được nhận nhuận bút theo chế độ nhuận bút chung của Công ty Sách Bách Việt; Tác giả có bản thảo được chọn in sẽ nhận được sự quảng bá, PR trên các phương tiện truyền thông rộng rãi. Trong trường hợp tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản (phim, sân khấu…) phải được sự chấp thuận của cả hai bên.

Thông tin thêm xin truy cập website: www.bachvietbooks.com.vn
Hoặc liên lạc:
Ms. Đinh Hương
Công ty Sách Bách Việt
Số 13 tổ 74 Hoàng Cầu, phố Mai Anh Tuấn, Đống Đa, Hà Nội
Mobile: 0913 007 394
E.mail: huong.dinh@bachvietbooks.com.vn

THANH NIÊN GIẢI TRÍ VÀ THỂ THAO


Đây là tờ báo tâm huyết của những người bạn tôi. Họ đang nỗ lực ngày, đêm, hết tâm sức mình vì nó.
Mong mọi người ủng hộ họ. Không chỉ vì nó là sản phẩm do họ tâm huyết mà vì bản thân nó xứng đáng được mọi người mua và giới thiệu cho nhiều người cùng mua.
Tiện ích với những hướng dẫn giải trí và thú vị với những bình luận thể thao.
Đặc biệt là quà tặng mỗi ngày nữa.
Mua một tờ báo có mấy ngàn mà được tặng quà mấy chục ngàn thì còn gì bằng!
Tôi thì tôi thích được tặng quà lắm, nên bữa nào tôi cũng mua báo này hết á!

KHỞI ĐỘNG GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC TUỔI 20 LẦN 4

Sáng nay, tại Thành Đoàn TP.HCM đã diễn ra lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 4.
Ở hàng ghế khán giả có các nhà văn: Đoàn Thạch Biền, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Trần Quốc Toàn, nhà thơ Song Phạm và nhiều người khác mà tôi không nhìn rõ.
Danh sách nhà báo thì khá dài: Linh Thoại, Minh Thi, Thanh Phúc, Trần Hoàng Nhân, Nguyễn Hoa, Vĩnh Nguyên, Lam Điền...Hình như không thấy báo Thanh Niên (Tôi không chắc lắm vì đông quá, không nhìn thấy hết)
Danh sách ban giám khảo chung khảo năm nay khá đặc biệt vì sự xuất hiện của nhà báo Đinh Thúy Nga - theo tôi, là một sự đổi mới tốt đẹp vì chị Thúy Nga là nhà báo chuyên theo dõi mảng văn học - sách của báo Tuổi Trẻ mười lăm năm nay. Bên cạnh đó, một nhân vật nổi tiếng là nhà văn Nguyên Ngọc cũng được mời làm thành viên ban giám khảo.
Ba thành viên cũ của năm ngoái là chị Phan Thị Vàng Anh, ông Lê Ngọc Trà và ông Lê Văn Thảo tiếp tục "nhiệm vụ" .
Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh yếu tố hình thức và sự đổi mới. Cũng gián tiếp nhắc nhở vai trò "nhận đường" của nhà văn trẻ hôm nay, đồng thời nhấn mạnh vai trò của tài năng.
Có vẻ như ban tổ chức khá cân đối các yếu tố già -trẻ, phê bình - sáng tác, báo chí -văn chương, cấp tiến - bảo thủ trong ban giám khảo.
Cá nhân tôi nghĩ rằng với sự hiện diện của chị Vàng Anh và chị Thúy Nga trong thành phần ban giám khảo, những tác phẩm "gai góc" có thể có chỗ đứng tốt. (Tuy nhiên, tôi không nghĩ là tôi sẽ dự thi lần nữa!)

Nhìn lại 14 năm giải thưởng, tôi nghĩ rằng giải thưởng này là một đóng góp quan trọng của NXB Trẻ cho văn học và văn học trẻ. Những Nguyễn Ngọc Tư, Dương Thụy, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên đều đã khẳng định mình với những tác phẩm hoặc là được bán chạy, hoặc là được đánh giá cao về mặt chuyên môn.

Cảm ơn ban tổ chức đã cho tôi giao lưu với độc giả (dù câu hỏi là anh Phạm Sỹ Sáu "gà").

Sẽ cập nhật thể lệ dự thi vào entry sau!

BÌA QUÁI VẬT - LỰA CHỌN 1



BÌA QUÁI VẬT

Đây là bìa quyển truyện dài mới nhất của tôi dự định phát hành vào tháng 4 này.

Còn một vài lựa chọn nữa. Nhưng dù sao cũng cảm ơn họa sĩ đã vẽ cái bìa này.