Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

CHỊ ĐOÀN THANH TÙNG (TT)

Entry for January 16, 2009- Tiếp tục thông tin về chị Tùng
Trưa nay, chị Tùng đã lên bệnh viện Ung bướu và lập lại hồ sơ. Do 3 tháng trước chị trốn viện, ko mổ nên lần này phải lục lại và lập lại, làm lại các xét nghiệm mới.

Thứ hai, sáng, chị Tùng sẽ trở lại bệnh viện ung bướu để thực hiện các xét nghiệm.

Thông tin tiếp theo về quyên góp:

Anh Minh Triển (Việt kiều Mỹ) đã tặng chị Tùng 10 triệu vnđ, thay vì dự định là 5 triệu vnđ. Anh đưa cho chị Tùng trực tiếp 2 triệu để chị chi xài, còn lại 8 triệu đưa cho tôi để tôi giữ và sau khi chị phẫu sẽ đóng viện phí trị liệu hóa trị và xạ trị cho chị.

Em Mẫn Nhi đóng góp 100.000đ

Như vậy, tổng số tiền đợt 2 của chúng ta có là 9.600.000đ (chín triệu sáu trăm ngàn đồng)

Hiện tại, tôi đang giữ cả hai khoản: 9.000.000đ (đợt 1) và 9.600.000đ (đợt 2).

Tổng cộng hai đợt là 18.600.000đ (mười tám triệu sáu trăm ngàn đồng)

Update ngày 20/1/2009

Ngày thứ 2, chị lên bệnh viện thực hiện xét nghiệm xong, tôi sẽ thông tin cho các bạn biết.

Hạnh


Tags: chịtùng | Edit Tags



Friday January 16, 2009 - 05:47pm (ICT) Edit | Delete | Permanent Link | 1 Comment

Entry for January 15, 2009 - THÔNG TIN MỚI VỀ CHỊ TÙNG
Yahoo điên! Mới post lên, sửa bài nó biến mất. Hic

Ghi lại ngắn thôi:

1/ Đã đến nhà chị Tùng. Ngày mai chị lên bệnh viện Ung bướu. Sau khi chị lên bệnh viện, tôi sẽ bàn giao hết tiền đã nhận: đợt 1 là 9.600.000đ. Đợt 2 mới nhận thêm 1.500.000đ từ các bạn. Lý do tôi không giao tiền hôm nay là để chắc chắn rằng chị sẽ lên bệnh viện để phẫu thuật chứ không trốn viện nữa.

Phương An (Báo Thanh Niên) 200.000đ

Bạn Huỳnh Kim Diệu và bạn Phạm Thị Châu: 200.000đ

chị Thu Nhân ở Bến Tre: 300.000đ

Đạo diễn Duy Ngọc: 200.000đ

Anh Vương làm sách: 200.000đ

Bạn Thức: 200.000đ

Một blogger bạn tôi: 200.000đ

Tổng cộng: 1.500.000đ


2/ Ngày mai có anh Việt kiều đến thăm chị Tùng, hứa cho 5 triệu vnđ. Anh này tên Triển, đi cùng ông Võ Đắc Danh.

3/ chúng tôi sẽ đưa chị lên bệnh viện Ung bướu và chụp hình lại để thông tin lên blog.

4/ Cảm ơn mọi người đã dốc lòng vì một người xa lạ và đáng thương. Chị Tùng kính lời cảm ơn đến mọi người.


Tags: chịtùng | Edit Tags



Thursday January 15, 2009 - 09:43pm (ICT) Edit | Delete | Permanent Link | 0 Comments

Entry for January 14, 2009- 1.000đ để cứu một sinh mệnh!
1.000đ, cứu sinh mệnh một người



Hãy cho tôi xin 1.000đ, tôi sẽ cùng bạn cứu một sinh mệnh.

Tôi đã đến gặp Chị Đoàn Thanh Tùng trong bài viết dưới đây vào lúc 12 giờ trưa hôm qua. Tình hình của chị rất cấp bách.

Mùa Tết đang đến gần, mọi người tất bật mua sắm Tết, có lẽ không có thời gian đọc báo nữa.

Tôi đưa bài viết này lên blog để mong mọi người có thể chung sức giúp đỡ chị

Cần ngay 10 triệu vnđ để cho chị Tùng có thể mổ ngay trước Tết.

Chúng ta có thể chung sức được không?

Tôi xin bắt đầu với phần mình là 1.000đ x 500 = 500.000đ.

Mong mọi người đóng góp cùng và chúng ta sẽ cùng đến nhà chị khi nào có đủ.

Xin cam đoan với danh dự của một người mẹ, một người viết văn, viết báo là những 1.000đ của bạn sẽ đến tận tay chị Tùng!

Chúng ta có thể cho chị một mùa Xuân – một sinh mệnh mới!

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH


GIA ĐÌNH HIẾU HỌC:

NGƯỜI MẸ, KHỐI U KHÔNG CÓ TIỀN MỔ VÀ BA ĐỨA CON


“Bác sĩ biểu thứ sáu mổ, u lớn lắm rồi. Thứ năm tui trốn bệnh viện đi về. Không có tiền đóng viện phí sao mà mổ được” – Chị Đoàn Thanh Tùng nói trong nước mắt. Tôi cố hình dung cảnh người đàn bà mang khối u 5cm trên ngực đã gạt lệ thế nào khi “trốn bệnh viện” vào 3 tháng trước. Tất cả cũng vì để dành tiền để sửa cái chái nhà đã sụp một góc: chị sợ khi các con đang ngủ, nhà sập sẽ đè chết chúng.

Trong căn nhà lá, có nền vừa được nâng do tiền của xã cấp, số tiền mà chị đã không dùng để phẫu thuật khối u đang hoành hành trên ngực mình, bốn mẹ con ngồi xỏ lông gà làm chổi lông gà. Mỗi ngày, ngồi còng lưng bên thau lông gà và những sợi chỉ như thế này, bốn mẹ con có thể kiếm được khoảng 50 ngàn đồng: đủ cho hai bữa cơm. Còn tiền thuốc thang thì đành chịu. Tôi hỏi: “Chị uống thuốc gì?”, chị cười mà nước mắt chực chờ tràn ra: “Tui uống thuốc nam”. Chị chỉ tay vào siêu thuốc đang nấu và im lặng. Rồi sau đó, chị đứng lên, lục tủ, lấy giấy khám bệnh, giấy đề nghị phẫu thuật đưa cho tôi đọc tận mắt. Rồi chị cũng…im lặng. Nước mắt chảy dài trên đôi mắt và gương mặt sạm đen của chị. “Sao chị lại trốn viện? Khối u lớn vậy thì chị phải mổ đi chứ?”. Chị khóc òa: “Cô ơi, tui mổ nằm một chỗ tụi nhỏ lấy gì ăn, tiền đâu mà mổ, mổ rồi thì còn phải đi xạ trị nữa…”. Nói chưa dứt tiếng chị bưng mặt cố nén tiếng khóc. Ba đứa con chị lặng lẽ quay mặt đi chỗ khác. Tôi kịp nhìn thấy có giọt nước mắt trên mắt của em Kim Tuyến, đứa con gái mới học lớp 10 của chị. Còn cậu con trai Minh Cường – đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Công nghệ thì chỉ thở dài, nhìn mẹ bằng ánh mắt thật buồn rồi vỗ vỗ vào vai mẹ ra chiều động viên. Đứa con út Thanh Tuấn, học sinh giỏi của trường THCS Đa Phước, vẫn còn mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ vì vừa đi học về thì im lặng nhìn ra ngoài.

Minh Cường kể: “Mẹ em bệnh lâu nhưng giấu tụi em. Tới khi phát hiện bệnh, ban đầu mẹ cũng không nói vì sợ tụi em lo. Nhưng mà tụi em lớn rồi. Phát hiện được. Tụi em buồn lắm…”. Cậu sinh viên gày gò không nói về nghị lực vượt khó học tốt của mình mà chỉ nói về mẹ. Có lẽ không nhiều thầy cô và sinh viên của lớp Công nghệ Hóa biết rằng người học trò, người bạn học của mình đã phải vượt 60km đi – về mỗi ngày để đến trường bằng cả đi bộ và xe bus. Sáng nào cũng vậy, khoảng 4 giờ 30 thì em đã thức dậy, từ nhà, Cường đi bộ khoảng 1km ra trạm xe bus để đón chuyến xe sớm lúc 5 giờ, và sau đó đổi thêm một tuyến xe mới tới được Gò Vấp để học. Hôm nào ở lại trường đến chiều thì em ăn cơm bụi. Tổng số tiền mà Cường được phép tiêu xài trong ngày không quá 20.000đ, cả tiền cơm lẫn tiền xe bus. Mà trong đó, tiền xe bus đã gần 6.000đ. Kim Tuyến và Thanh Tuấn đỡ vất vả hơn vì học ở gần nhà nhưng Tuyến cũng phải đạp xe đạp đi về khoảng 7km. Khó khăn là vậy nhưng cả ba em đều học Khá – Giỏi. Minh Cường và Tuyến được xếp loại Khá ở học kỳ 1 còn Tuấn thì được học sinh giỏi với điểm số ấn tượng: 9.0. Học kỳ 1 năm học 2008 – 2009 của các em là thời điểm chị Tùng phát bệnh, bao nhiêu khó khăn dập dồn, cả sự lo lắng cho mẹ chi phối từng đứa con mà các em vẫn chú tâm học hành là một sự cố gắng tuyệt vời.

Căn nhà lá, tuềnh toàng nhưng sạch sẽ, không một hạt bụi. Cái bếp nhỏ treo vài cái nồi được chùi rửa cẩn thận, sắp xếp ngăn nắp. Chỉ có chiếc máy tính cũ là vật dụng đáng giá nhất. Chiếc máy tính cũ này là do cô con gái thứ ba của chị Tùng xin được của em chồng để cho Cường học ở nhà. Còn một vật dụng có giá trị khác là chiếc tivi đã cũ, do cả nhà mua trả góp khi người cha còn sống. Có thể thấy, dù bệnh nặng, nhưng chị Tùng chăm lo cho các con mình khá chu đáo và dạy con rất kỹ. Cả ba đứa đều lễ phép khoanh tay chào khách đến, nói chuyện “dạ thưa” rất ngoan ngoãn.

Chị Tùng có 6 người con. 3 người đã lập gia đình. Ngoại trừ cô con gái thứ Ba bán trái cây ở bến xe miền Tây còn có đồng ra đồng vào, hai đứa con còn lại cũng nghèo khó như mẹ. May mắn cho chị Tùng là có những đứa con ngoan. Minh Cường kể: “Khi nào chị Ba kêu thì em ra bán tiếp, phụ chị. Chị cho em được 20 ngàn, em khỏi phải xin mẹ tiền. Khi nào không đi học thì em đưa tiền đó cho mẹ”. Kim Tuyến cũng ra phụ chị bán trái cây mà mang tiền về đưa mẹ. Khi không đi bán với chị Ba thì ba em ở nhà tiếp mẹ xỏ chổi lông gà. Chị Tùng nói trong nước mắt: “Có lúc khó khăn cùng quẫn quá, tui lỡ miệng nói thôi ba đứa nghỉ học một đứa nhưng ba đứa đều không đứa nào chịu nghỉ, tui thấy mắc cỡ với con. Lúc tui bệnh, ba đứa lại đòi nghỉ học để dành tiền lo cho tui. Tui nói không đứa nào được nghỉ hết. Mẹ bệnh thì mẹ tự hết, các con không được nghỉ học mà phải học giỏi cho mẹ vui.

Khó khăn thì chất chồng, nhưng trường hợp của Cường lại không được trường ĐH Công Nghiệp xét miễn giảm học phí với lý do em không đủ tiêu chuẩn nghèo: phải mồ côi cả cha lẫn mẹ mới được miễn hoặc giảm học phí. Không đủ tiêu chuẩn nên người mẹ ung thư đành phải cắn răng vay mượn tiền để đóng học phí cho con. Hàng năm, nếu được xã Đa Phước hỗ trợ tiền học thì chị Tùng lại đau đầu tính toán xem còn bao nhiêu tiền nữa để lo cho các con mình.

Bà con trong ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh ai cũng biết, ai cũng thương gia đình chị Tùng. Khi nói về gia cảnh của chị, ông Ba Linh, chủ tịch Hội khuyến học huyện Bình Chánh cảm thương: “Không biết cổ sống nay chết mai, vậy mà cũng ráng cho mấy đứa nhỏ ăn học. Huyện nghèo quá, chỉ hỗ trợ được ít tiền cho cổ chữa bệnh mà cổ dùng nó để sửa nhà. Đúng là mẹ nào cũng chỉ nghĩ đến con”. Cô Nhung, chủ tịch Hội khuyến học xã Đa Phước tội nghiệp: “Chồng chị Tùng mất cách đây 5 năm, một mình chị bán cá, xỏ chổi lông gà để nuôi 3 đứa nhỏ ăn học. Mỗi khi có học bổng hay tiền hỗ trợ về xã thì chúng tôi đều chọn để cho gia đình chị bớt khó khăn”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó chủ tịch xã Đa Phước chia sẻ: “Chị Đoàn Thanh Tùng là một trường hợp rất đáng biểu dương. Nhà cửa khó khăn vậy nhưng lúc nào cũng chăm lo việc học cho các con mình. Ở xã, có nhiều hộ viện lý do khó khăn về kinh tế, bắt con bỏ học. Nhưng chị Tùng thì không như vậy. Chúng tôi mong được các ban ngành, cá nhân giúp đỡ để tiếp sức cho một tấm gương sáng về gia đình hiếu học ở xã này”. Những người làm công tác chính sách của chính quyền trân trọng chị Tùng đã đành, bà con cô bác là người dân bình thường xung quanh cũng trân trọng chị. Dì Nguyễn Thị Ba, ở ấp 5 cũng khen ngợi: “Con nhỏ đó giỏi lắm à nghen, bệnh bệnh vậy chứ con nó chưa bỏ học ngày nào, mà học giỏi nữa chứ”. Tôi nhìn thấy rõ niềm thương xót trong mắt của nhiều người ở xã Đa Phước khi được hỏi về chị Tùng.

Trong nước mắt, chị vạch cho tôi xem khối u. Tôi giật mình đến choáng váng vì không nghĩ rằng nó có thể to đến như vậy. Với khối u này, nếu phẫu thuật, có thể chị sẽ bị “múc” hết toàn bộ vú trái và tốn khá nhiều thời gian để xạ trị sau đó. Minh Cường nói nhỏ với tôi: “Em chỉ mong mẹ em có tiền chữa bệnh. Nhiều lúc em thấy mình vô dụng quá”. Cường nhìn hai đứa em mình và nói tiếp: “Rủi mẹ em có bề gì, em không biết hai đứa em em làm sao nữa?”. Còn Kim Tuyến thì nhắm mắt, chắp tay lại trước ngực nguyện cầu: “Cầu cho mẹ em hết bệnh”. Tôi không biết lời cầu nguyện của Tuyến làm sao thành hiện thực được nếu như chị Tùng cứ trốn bệnh viện không phẫu thuật vì không có tiền như thế này? Tôi cũng không biết đến khi nào thì khối u sẽ vỡ ra, người mẹ sẽ không chịu đựng nổi nữa. Tôi cũng không biết ba đứa trẻ ham học này sẽ ra sao nếu người mẹ thương mến của chúng không còn…

MAI HÂN

UPDATE:

Các bạn đã gửi tiền giúp chị Tùng:


Phóng viên Nguyễn Thị Thanh Phúc, báo điện tử VTC News: 1.000đ x 20 = 200.000đ

Phóng viên Linh Thoại Báo Tuổi Trẻ : 300.000đ.

Phóng viên Phong Việt Báo Mực Tím : 200.000đ

Đạo diễn Nguyễn Quý Khang – 500.000đ

Nhà văn nhà báo Đinh Hương 1.000đ x 20 = 200.000đ

Phóng viên Nhiêu Huy (Báo điện tử Vnexpress) và một người bạn giấu tên: 200.000đ (mới update vào tối 14/1)

Mai Thi (công ty Medason) 100.000đ

Phóng viên Trần Hoàng Nhân (đã góp rất nhiều lần cho những người tội nghiệp khác nay vẫn tiếp tục ủng hộ) 100.000đ


UPDATE 2:

Đã post tài khoản mà ko hiểu sao nó biến mất tiêu rồi

Tài khoản Vietcombank: 011 – 100 – 019 – 4118, tên chủ tài khoản TRẦN THỊ HỒNG HẠNH

Hãy để lại tin nhắn vào điện thoại di động của tôi 0909 386 645 khi bạn gửi tiền vào tài khoản.

Update 3:

Anh Hoàng Linh (báo Nhịp cầu Thế giới từ Hungary): 300.000đ

Update 4:

Chị Minh Thi Báo Lao Động: 100.000đ

Chị Hòa Bình Báo Pháp Luật TP.HCM: 100.000đ

Chị Phương Trang - 100.000đ

Bạn Minh Chánh Báo Đất Việt 100.000đ

Bạn Vân Anh báo Thanh Niên 200.000đ (update mới)

Các Quý vị nào đó đã chuyển tiền vào tài khoản mà không cho biết thông tin: 700.000đ

Tổng cộng: Tính đến 17 giờ 15 phút ngày 14/1, tôi đã có

3.400.000đ + 500.000đ của tôi đóng góp là 3.900.000đ

Ba triệu chín trăm ngàn đồng chẵn. (mới update ngày 20/1/2009 sau khi một số anh chị hứa cho tiền nhưng không đưa)

Chị Hà (Phòng Kỹ thuật báo Thanh Niên) ủng hộ 100.000đ

Đến 23 giờ 14/1/2009, tổng số tiền từ blog của Hạnh là 4.000.000đ

Chị Hương (nhà tổ chức Dạ Tiệc Sao) vừa khẳng định sẽ cho thêm cho đủ để đủ 10 triệu và đưa chị Tùng đến bệnh viện ngay ngày mai.

Lúc 14 giờ chiều mai, tôi và các chị của nhóm chị Hương sẽ đi Đa Phước (Bình Chánh) để gặp chị Tùng và đưa chị đến bệnh viện.

Tôi sẽ chụp hình cuộc gặp và up lên blog để các bạn biết rằng đồng tiền đóng góp của các bạn đã tới được địa chỉ cần tới.

Xin cảm ơn các bạn đã đóng góp.

Đường phía trước của chị Tùng còn dài và còn cần nhiều sự giúp đỡ nữa. Nếu các anh chị có lòng, khi chị Tùng lên bệnh viện, tôi sẽ thông tin cho các bạn đến tận nơi để gửi cho chị ấy!

Một lần nữa xin cảm ơn tấm lòng của mọi người!

Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét